Hà Nội – Dù đáp ứng đủ điều kiện nhưng nhiều người dân vẫn không thể mua được nhà ở xã hội vì vướng mắc hàng loạt thủ tục.

Khó khăn khi mua nhà ở xã hội
Còn nhớ, lần bốc thăm nhà ở xã hội gần đây nhất tại Hà Nội là dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn hồi tháng 5.2023. Chỉ có 149 căn hộ được bán, nhưng có tới gần 1.500 người tham gia bốc thăm, nhiều người phải dậy từ nửa đêm để xếp hàng mong có cơ hội được sở hữu một căn nhà.
“Cơn sốt” của NHS Trung Văn cho thấy tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ hiện nay.

Sau gần 2 năm kể từ thời điểm tham gia bốc những lá thăm may rủi, anh Lương Quang Ngọc (50 tuổi) là một trong hàng trăm người từng kiên trì xếp hàng để chờ cơ hội được thuê căn hộ tại dự án NHS Trung Văn, đã dọn vào căn nhà mới tại chính dự án này để tiếp tục nuôi hy vọng mua được nhà cho riêng mình.
Anh Ngọc không giấu được sự vui mừng khi nhớ lại khoảnh khắc trúng xuất thuê nhà ở xã hội tại dự án: “Từ lúc làm hồ sơ đến bốc thăm căn hộ là một hành trình dài vất vả. Đến khi nhận kết quả bốc thăm, gia đình tôi đã vỡ òa hạnh phúc khi là một trong những người may mắn trúng suất thuê nhà ở xã hội tại dự án để mở ra cơ hội sở hữu lớn hơn”.

Sau hàng loạt những thử thách phải đối mặt và dù hiện nay đã được sống trong căn hộ khang trang, nhưng thực tế, anh Ngọc vẫn chưa thể sở hữu căn hộ này. Bởi theo quy định, sau 5 năm thuê, nếu muốn tiếp tục ở lại, anh Ngọc buộc phải xét lại các điều kiện để mua từ đầu.
Anh Ngọc chia sẻ: “Sau 5 năm thuê, nếu tôi mua nhà ở xã hội thì phải “nghèo bền vững” mới đủ điều kiện xét duyệt lại từ đầu. Bởi chỉ cần thu nhập vượt 15 triệu đồng/tháng hoặc có nhà riêng thì sẽ không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội”.
Loay hoay xác nhận mức thu nhập
Thực tế cho thấy, để được sở hữu một căn nhà ở xã hội là điều không dễ dàng. Như ông Vũ Xuân Tới (Long Biên, Hà Nội), năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn đi làm miệt mài, đau đáu ước mong có thể giúp con trai sở hữu một chốn an cư “dù bình dân nhất nhưng là của mình” tại Hà Nội.
Ông Tới chia sẻ, gia đình ông từng nhiều lần tìm hiểu, làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội ở các dự án khác nhau tại Hà Nội nhưng đều chưa thành công.
Vướng mắc lớn nhất mà gia đình ông gặp phải là không thể chứng minh được thu nhập của con trai ở mức “thấp nhưng ổn định”, một yêu cầu theo quy định mới trong Luật Nhà ở 2023.
Không chỉ gia đình ông Tới, hàng triệu lao động tự do như tài xế công nghệ, thợ hồ, tiểu thương… cũng loay hoay trong việc chứng minh thu nhập để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, do không có bảng lương cố định, không hợp đồng lao động…
Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, người dân muốn mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện chưa sở hữu nhà ở tại nơi có dự án và thu nhập hộ gia đình không quá 30 triệu đồng/tháng. Nhưng thủ tục xác nhận thu nhập lại đang là trở ngại lớn, đặc biệt với lao động tự do.
Thực tế cho thấy không chỉ người dân gặp khó, ngay cả chính quyền địa phương, nơi chịu trách nhiệm thẩm định và xác nhận hồ sơ cũng gặp hàng loạt thách thức trong công tác này.
Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), cho biết trên địa bàn phường có một số dự án nhà ở xã hội tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Nhiều người dân có nhu cầu đã đến UBND phường xin xác nhận thu nhập thấp. Nhưng đến thời điểm hiện tại, phường vẫn chưa thể giải quyết các đơn xin xác nhận này do không có cơ sở để xác nhận cho công dân.

Đặc biệt, đối với lao động tự do, việc xác minh càng khó khăn hơn vì người dân không kê khai thuế thu nhập cá nhân và không tham gia bảo hiểm, dẫn đến việc phường không có căn cứ để xác nhận.
“Đã có trường hợp xin xác nhận thu nhập là lao động bảo vệ, nhưng do không có hợp đồng lao động nên phường không thể xác nhận được”, Bà Vũ Thị Thu Hoài cho hay.
Do đó, UBND phường Thượng Thanh kiến nghị Sở Xây dựng và Sở Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở giải quyết vấn đề này. Nếu tình trạng kéo dài, người dân sẽ bị ảnh hưởng, bởi mẫu đơn xác nhận thu nhập là yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký.
Khi không có xác nhận, người dân không thể nộp hồ sơ, dù đủ điều kiện và có nhu cầu thực sự về nhà ở xã hội.
Đề xuất giải pháp
Sự ra đời của Luật Nhà ở 2023 mang lại kỳ vọng lớn cho phân khúc nhà ở xã hội, khi một số rào cản về đối tượng thụ hưởng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục pháp lý vẫn còn rườm rà, đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế thông thoáng hơn để giúp người dân tiếp cận nhà ở xã hội dễ dàng hơn.
TS. Trần Xuân Lượng, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, nhận định một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là việc người dân, dù có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng lại rất khó tiếp cận do thủ tục phức tạp.
Ông Lượng cho rằng, mặc dù đã mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội, nhưng lại chưa quy định rõ ràng về việc người dân sẽ được vay vốn ở ngân hàng nào, với điều kiện ra sao. Điều này khiến người thu nhập thấp (nhóm đối tượng chính sách) lại tiếp tục bị loại ra khỏi cuộc chơi do không thể tiếp cận được nguồn tài chính ưu đãi.
“Việc chứng minh điều kiện thu nhập và việc người dân chưa sở hữu nhà ở cũng là một thủ tục gây khó khăn. Người thu nhập thấp thường phải đi làm, khó có thời gian đi lại nhiều lần để xác minh. Nếu địa phương không linh hoạt trong thủ tục hành chính, không có phương án trực tuyến hay ủy quyền, người dân sẽ rất khó tiếp cận được chính sách”, ông Lượng đánh giá.
Hơn nữa, sau khi hoàn thành các bước trên, hồ sơ vẫn phải trải qua vòng xét duyệt của Sở Xây dựng, quy trình phức tạp đang gây khó cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.

Về giải pháp, TS. Trần Xuân Lượng cho rằng cần giải quyết đồng bộ từng nút thắt. Trước tiên, mỗi địa phương nên thành lập bộ phận chuyên trách theo cơ chế “một cửa” để người dân chỉ cần đến một nơi duy nhất là có thể hoàn tất toàn bộ thủ tục mua nhà ở xã hội. Bộ phận này cũng cần hỗ trợ cho cả chủ đầu tư trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, công khai rõ ràng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và triển khai dự án, tránh tình trạng vướng mắc pháp lý kéo dài. Nên giới thiệu trước các ngân hàng tham gia chương trình cho vay ưu đãi, và có thể thiết lập danh sách các nhà cung cấp vật liệu xây dựng đạt chuẩn dành riêng cho nhà ở xã hội.
“Cần tạo một chuỗi hỗ trợ khép kín từ thủ tục hành chính, quỹ đất, vốn vay đến vật tư để tránh tình trạng chỗ có đất thì thiếu vốn, chỗ có vốn thì vướng thủ tục, hoặc có đầy đủ điều kiện lại không tìm được nhà thầu thi công. Nếu không làm được điều đó, chúng ta sẽ tiếp tục luẩn quẩn và không thể đưa chính sách nhà ở xã hội đi vào thực tiễn,” ông Lượng nhấn mạnh.